Tác dụng của nhung hươu là gì mà được xem là tứ đại danh dược? Nhung hươu tốt cho sức khỏe nhưng có giúp tăng cường sinh lý không? Cách dùng lộc nhung như thế nào tốt nhất? Ai không nên dùng nhung hươu? Thêm nhiều thông tin khác sẽ được cung cấp để bạn tham khảo qua bài viết sau.
Xem thêm: Dâm dương hoắc tốt cho sinh lý nam ra sao và cách dùng đơn giản nhất
Nhung hươu là gì?
Nhung hươu là phần sừng non của hươu đực được sử dụng từ lâu đời để bồi bổ sức khỏe và tăng cường sinh lực. Nhung hươu còn được gọi là lộc nhung, huyết nhung, ban long châu, hoàng mao nhung,… Trong dân gian nhung hươu được xếp vào tứ đại danh dược ” sâm, nhung, quế, phụ” và được coi như một vị thuốc ‘hồi xuân’, tăng cường sinh lý.
Sở dĩ gọi là nhung hươu được cho là dựa vào đặc điểm của phần sừng non. Sau khi sừng hươu đực rụng đi vào mùa hè, đến mùa xuân, sừng mới mọc. Phần sừng non này có mặt ngoài phủ lông rất mềm, mịn, sờ vào êm như nhung nên được gọi là nhung hươu.
Nhung hươu có thể được khai thác từ các loài hươu sao (Cervus nippon Temminek.), hươu ngựa (C. elephus L.) hoặc nai (C. unicolor Cuv.), họ hươu: Cervidae.
Ngày nay, nhung hươu được khai thác chủ yếu thông qua việc nuôi hươu. Nhung được lấy từ các con hươu khoảng từ 3 tuổi. Người ta cho rằng chất lượng nhung hươu phụ thuộc vào giống hươu, khí hậu, thổ nhưỡng, điều kiện chăm sóc…
Nhung hươu có thể được dùng dưới nhiều cách khác nhau. Ví dụ như dùng nhung hươu tươi hay sấy khô, nấu cao, đốt đen rồi tán nhỏ,… Từ đó có thể ngâm rượu với các thảo dược, viên hoàn, nấu với thực phẩm bổ dưỡng,…
Tác dụng của nhung hươu
Nhung hươu được cả y học cổ truyền và y học hiện đại đánh giá cao. Trong dân gian, nhung hươu cũng được sử dụng phổ biến cho cả nam, nữ, người già và trẻ em.
Tác dụng của nhung hươu theo Đông y
Theo y học cổ truyền, nhung hươu vị ngọt, tính ấm, quy can thận. Tác dụng của nhung là bổ thận dương ích tinh huyết (bổ thận tráng dương), cường cân kiện cốt.
Nhung hươu được dùng cho nam giới trong các trường hợp thận dương bất túc, tinh huyết hư, sợ lạnh, tay chân lạnh, đau lưng mỏi gối, liệt dương tảo tiết, tiểu nhiều khó chủ động.
Nhung hươu cũng dùng cho nữ giới vô sinh băng lậu đái hạ hoặc gân xương teo yếu, xương gãy lâu liền. Người bị thiếu máu, giảm bạch cầu, tiểu cầu.
Các thầy thuốc Đông y Trung Quốc và Nhật dùng nhung như vị thuốc bổ chống lão hóa, kéo dài tuổi thọ, chống co giật, chữa ung bướu, thấp khớp, tăng khả năng sinh sản cho cả nam và nữ.
Liều dùng nhung hươu từ 0,5 – 15g hằng ngày. Thường dùng bằng cách nấu, hãm, ngâm rượu.
Tác dụng của nhung hươu theo y học hiện đại
Theo y học hiện đại, nhung hươu chứa nhiều chất vô cơ, hữu cơ, chất béo, các acid amin tốt. Nhung hươu cũng chứa các men catalaza, peroxydaza. Đặc biệt nhung hươu được cho là có chứa các chất kích thích sản sinh nội tiết tố, do đó tốt cho sinh lý. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng cần có sự nghiên cứu thêm.
Tác dụng của nhung hươu giúp cường tráng cơ thể, giảm mệt mỏi, tăng khả năng tập trung, cải thiện giấc ngủ. Nhung hươu cũng giúp thúc đẩy tiêu hóa, tăng cường chuyển hóa chất đạm. Sử dụng nhung hươu giúp tăng cảm giác thèm ăn thông qua đó cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng.
Nhung hươu cũng giúp làm tăng lưu lượng máu ở động mạch vành, tốt cho tim mạch. Đồng thời giúp tăng cường hệ thống miễn dịch. Giúp tăng sự phục hồi của xương gãy và giúp vết thương hở nhanh lành.
Cách dùng nhung hươu đơn giản
Theo dân gian, nhung hươu thường dùng để tăng ham muốn, tăng sinh lý cho nam giới. Thường dùng nhất là nhung hươu ngâm rượu. Ngoài ra, có thể hầm nhung hươu với một số loại thảo dược hay thực phẩm bổ dưỡng cho sinh lý.
Bài thuốc từ nhung hươu
Nhung hươu hoàn viên
Cách làm: Nhung hươu đem sao với rượu rồi tán bột mịn, vo viên. Mỗi lần uống 1g – 1,5g với nước sắc dâm dương hoắc (15g sắc lấy 1 bát nước). Công dụng trị liệt dương, đái són, váng đầu, ù tai, đau lưng.
Bột lộc nhung
Chuẩn bị: Lộc nhung 1,5g, ô tặc cốt 20g; bạch thược, đương quy, tang ký sinh, long cốt, đảng sâm, tang phiêu tiêu mỗi loại 12g. Đem tất cả tán thành bột mịn. Ngày uống 2 lần, 4g – 8g/lần với rượu trắng hâm nóng. Công dụng trị liệt dương, di tinh, tiểu són, váng đầu, ù tai, đau lưng.
Cách ngâm rượu nhung hươu
Có nhiều công thức ngâm nhung hươu với rượu. Có thể thái lát, để nguyên cả bộ lộc nhung.
Nhung hươu ngâm rượu
Chuẩn bị: 20g nhung hươu đã sơ chế, thái lát ngâm với 500ml rượu trắng 40 độ. Ngâm trong 15-30 ngày. Mỗi lần uống 1 thìa cà phê. Ngày uống từ 1-2 lần trước bữa ăn.
Rượu huyết lộc nhung
Chuẩn bị: Lấy phần tủy xương bên trong nhung hươu còn gọi là tiết nhung đem ngâm rượu chế thành rượu 20%. Mỗi lần uống 10ml, ngày uống 3 lần. Công dụng ôn dương bổ huyết. Tốt cho nam giới bị thiếu máu giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu, thiếu máu do suy tủy xương.
Rượu nhung hươu ngâm với mật ong
Chuẩn bị: Nhung hươu 15g thái nhỏ, mật ong 100ml, rượu 500ml. Đem ngâm trong bình thủy tinh từ 30 ngày. Uống mỗi ngày 10-15ml. Dùng tốt cho người hay sợ lạnh, lạnh tay chân, liệt dương di tinh, thiếu máu (chóng mặt xây xẩm), đau lưng mỏi gối.
Rượu nhung hươu củ mài
Chuẩn bị: Lộc nhung 15g thái nhỏ, sơn dược 30g thái lát. Ngâm rượu trong 15 – 30 ngày. Dùng trong 8-10 ngày. Dùng cho nam giới liệt dương, di tinh, tảo tiết, tiểu nhiều khó chủ động.
Rượu nhung hươu hoài sơn
Chuẩn bị 40g nhung hươu tươi đã qua xử lý và giã nát. 40g hoài sơn giã nát. Cho nguyên liệu vào túi vải rồi ngâm chung với 1 lít rượu trắng 40 độ trong thời gian 7 ngày. Mỗi ngày uống 10-15ml. Phần bã đem tán mịn thành viên để uống.
Công dụng: Chữa bệnh sinh lý nam gây khó đậu thai, tiểu rắt, tứ chi lạnh, mỏi gối.
Rượu nhung hươu dâm dương hoắc
Chuẩn bị nhung hươu, dâm dương hoắc, nhục thung dung, ba kích, kỷ tử ngâm cùng 3 lít rượu. Ngâm từ 3 tháng mới được uống.
Món ăn từ nhung hươu
Nhung hươu ngâm mật ong
Chuẩn bị: 100g nhung hươu tươi rửa sạch bằng rượu và gừng, sau đó cạo sạch lớp lông ngoài rồi thái lát. Ngâm nhung hươu với 250ml mật ong nguyên chất trong 100 ngày. Có thể ăn trực tiếp, mỗi lần ăn 2-3 lát kèm mật ong. 2 ngày ăn 1 lần.
Nhung hươu hầm thận dê
Nguyên liệu: Lộc nhung 4g, thận dê 1 đôi, thỏ ty tử 15g, tiểu hồi 9g. Sơ chế nguyên liệu rồi đem hầm nhừ. Thêm gia vị thích hợp vừa ăn. Dùng cho người thận dương hư, đau bại vùng thắt lưng.
Nhung hươu nấu canh
Nhung hươu tươi thái lát mỏng, băm nhỏ cho vào bát canh nóng dùng hàng ngày. Dùng từ 0,5g đến 2g (1 – 2 lát mỏng hoặc 1 thìa cafe nhỏ), mỗi ngày 1 – 2 lần.
Nhung hươu hấp cơm
Nhung hươu tươi thái lát mỏng rồi đem hấp với cơm dùng hàng ngày. Dùng từ 0,5g – 2g hoặc 1 – 2 lát mỏng.
Ai không nên dùng nhung hươu
Mặc dù bổ dưỡng với cơ thể nhưng không phải ai cũng dùng được nhung hươu. Đặc biệt những đối tượng dưới đây cần tránh dùng.
- Nhung hươu có tính ấm, do vậy người thể trạng gầy, nóng trong người, gan nóng không nên dùng. Nhất là với rượu nhung.
- Dù nhung hươu bổ máu nhưng với người bị thiếu máu hay mất máu nhưng nhiệt độ cơ thể cao hơn bình thường cũng tránh dùng.
- Nhung hươu bổ dưỡng, cải thiện sinh lực nhưng chỉ dùng sau khi đã khỏi ốm. Nếu đang bị sốt, bị ốm hay bất kỳ vấn đề nào về sức khỏe thì không được dùng.
- Người bị viêm phế quản, mắc bệnh truyền nhiễm, tăng huyết áp, bệnh đau thắt mạch vành có kèm huyết áp thấp.
- Sử dụng nhung hươu có thể tăng gánh nặng cho thận nên người bị viêm thận tránh dùng.
- Người thừa cân béo phì không dùng nhung hươu vì được cho là càng dễ tăng cân.
- Người huyết áp cao, mỡ máu, tiểu đường không nên uống rượu ngâm nhung hươu.
- Người có độ đông máu cao tránh dùng nhung hươu vì dùng nhung hươu có thể gây tác dụng phụ làm đông máu thêm.
- Người bị rối loạn tiêu hóa, đầy bụng, tiêu chảy,… cũng không dùng lộc nhung.
Câu hỏi thường gặp khi dùng nhung hươu
Nhung hươu có tác dụng phụ không?
Tác dụng phụ khi sử dụng nhung hươu quá nhiều có thể gây hạ huyết áp, làm tim co bóp mạnh, đập nhanh. Cũng có thể dẫn đến tình trạng giật cơ, co giật hay đông huyết, đổ mồ hôi trộm, phát nóng ở ngực,…
Nhung hươu có độc không?
Nhung hươu nếu biết cách dùng thì sẽ không gây độc. Tuy nhiên cần biết cách chế biến, cạo lông nhung để tránh ăn phải lông có thể dẫn đến viêm ruột, viêm đường tiêu hóa…
Cách chọn nhung hươu chất lượng
Nên chọn loại nhung mềm chưa phân yên (nhánh). Kiểm tra bằng cách dùng dao cắt thì cắt được hết phần nhung mà không đụng gặp phải phần xương tảng. Đây là loại nhung đã hóa sừng, không còn đảm bảo dưỡng chất như nhung mềm.
Cách sơ chế nhung hươu
Sau khi mua về nhung hươu tươi về cần sơ chế để loại bỏ phần lông. Đem rửa qua nước sạch rồi lau khô. Nhớ bịt phần đầu nhung nơi có vết cắt để huyết nhung không bị thoát ra ngoài.
Có thể dùng cây sắt nung lăn trên mặt ngoài lộc nhung để cho cháy hết lông. Hoặc dùng dao lam sắc cạo sạch phần lông và lớp da cáy màu xám tro bên ngoài nhung. Hoặc có thể hơ qua ngọn lửa bếp ga để loại bỏ lớp lông này.
Có nên dùng nhung hươu thường xuyên?
Nhung hươu tốt cho sức khỏe tuy nhiên cần sử dụng đúng đối tượng, đúng liều lượng và tránh lạm dụng. Trước khi sử dụng nhung hươu cần tham vấn ý kiến của bác sĩ, thầy thuốc Đông y. Tẩm bổ với nhung hươu thì nên dùng theo đợt khoảng 2 tuần rồi dừng. Không nên dùng kéo dài vì được cho là có thể làm tổn hại âm khí, suy thận.
Có ý kiến cho rằng nếu dùng cho trẻ em thì chọn phần ngọn nhung. Người già dùng phần đáy trong khi đàn ông thì dùng phần giữa lộc nhung.
Nhung hươu phù hợp với nam giới cơ địa có thận dương kém, hay đau lưng, ít tinh trùng, huyết áp thấp.
Trên đây là bài viết về tác dụng của nhung hươu với nam giới, cách dùng phổ biến nhất. Nếu sử dụng nhung hươu với mục đích tăng sinh lý ở nam giới thì cần tránh lạm dụng. Cách tốt nhất để cải thiện sức khỏe nói chung, nên kết hợp chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng cân bằng.
Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo và không thay thế được ý kiến của bác sĩ.