Cùng với nhân sâm, hải sâm cũng được đánh giá cao là vị thuốc, thực phẩm tốt cho nam giới. Vậy hải sâm có tác dụng gì và cách dùng như thế nào? Dùng hải sâm có tăng sinh lý nam được không? Dùng nhiều hải sâm có an toàn không? Thêm nhiều câu hỏi khác về hải sâm trong bài viết dưới đây.
Đọc ngay: Mẹo dân gian chữa rối loạn cương dương, yếu sinh lý
Hải sâm là gì?
Hải sâm là tên gọi chung của một nhóm động vật biển thuộc lớp Holothuroidea, có tên khoa học Stichopus japonicus Selenka. Hải sâm có tên tiếng Anh là Sea cucumber. Trong dân gian hải sâm còn gọi là sâm biển, đỉa biển, con rum, đồn đột,…
Đặc điểm nổi bật của hải sâm là thân có dạng hình ống, không có đầu đuôi để phân biệt, da có lông, có xương trong nằm ngay dưới da. Tuy nhiên ở phần giữa thân mình hải sâm có một lỗ nhỏ, đó chính là miệng của hải sâm. Quanh phần miệng có các xúc tu nhỏ có thể kéo dài ra để có thể bắt thức ăn và đưa vào phần miệng.
Hải sâm sống ở đâu?
Hải sâm có ở vùng biển khắp nơi trên thế giới, chủ yếu ở các vịnh và những nơi có nhiều đá ngầm ở biển khơi. Đây là loài vật chuyên ăn các sinh vật phù du và các chất hữu cơ tìm thấy dưới biển. Hải sâm sinh sản bằng cách phóng tinh trùng và trứng vào nước biển. Tùy vào điều khiện thời tiết, một cá thể có thể sản xuất hàng ngàn giao tử.
Các loại hải sâm: Tại Việt Nam đã phát hiện hơn 50 loài hải sâm và trên thế giới có khoảng hơn 40 loài hải sâm có tác dụng làm thuốc và thức ăn. Một số loài hải sâm phổ biến như hải sâm cát, hải sâm dừa, hải sâm vú trắng, hải sâm ngận vàng,…
Thu hái và chế biến
Bộ phận sử dụng được của hải sâm là toàn thân. Chọn lựa loại hải sâm có màu đen thịt quánh đinh, da có nhiều gai là loại chất lượng. Ngược lại nếu loại to nhưng thân mềm và da không có gai là loại kém.
Cách chế biến hải sâm: Rửa sạch bùn đất rồi dùng cách riêng để lấy bỏ phần ruột ra. Có thể dùng một ngón tay hoặc một đoạn gỗ nhỏ, ấn vào miệng hải sâm, rồi đẩy nhẹ để lộn toàn bộ phía bên trong ruột ra. Vứt bỏ hết các bộ phận bên trong. Rửa sạch kỹ bằng dịch gừng/rượu.
Có thể dùng tươi, sấy khô bảo quản dùng dần hoặc ngâm rượu. Sau khi đánh bắt, hải sâm thường được đem sấy khô hay phơi. Sau đó dùng làm thực phẩm hay thuốc.
Thành phần hoá học của hải sâm
Thịt hải sâm giàu đạm (21% protein) với hai chất quan trọng là cystine và arginin. Các chất khác trong thịt hải sâm gồm glucid, lipid, calci, sắt, photpho, kali,…
Trong phân tích thành phần dinh dưỡng của thịt hải sâm có thể thấy giá trị rất cao. Theo đó trong 100g hải sâm có 75g proteine (cao gần gấp 5 lần thịt lợn nạc và 3,5 lần ở thịt bò). Đặc biệt là trong thịt loài hải sâm có các acid amine quý với hàm lượng khá cao. Đáng kể như lysine, arginine, proline, histadine, acide glutamic, thionine, leucine, isolecine, acide aspartic, tyrosine…
Cùng với đó thịt hải sâm còn chứa nhiều yếu tố vi lượng (phosphore, đồng, sắt, mangan, kẽm… ). Đặc biệt có chứa selenium (Se), một chất có tác dụng chống oxy hóa và giải đọc rất tốt cho cơ thể. Ngoài ra hải sâm còn có nhiều vitamin như: B1, B2, B12, C…, Hàm lượng nội tiết tố rất cao như testosterone, progesterone.
Các chất có hoạt tính sinh học cao trong hải sâm như lectin, saponin glucoside. Trong đó saponine Rg và và Rh rất giá trị. Loại thứ nhất giúp làm hưng phấn thần kinh, chống mệt mỏi và tăng cường thể lực. Loại thứ hai Rh có tác dụng ức chế các tế bào ung thư.
Tác dụng của hải sâm theo y học cổ truyền
Theo Đông y, hải sâm vị mặn, tính ấm, quy kinh Tâm, Tỳ, Thận và Phế. Hải sâm có công năng bổ thận ích tinh, thêm tinh tủy, tráng dương, sát khuẩn, dưỡng huyết nhuận táo. Do vậy hải sâm được sử dụng trị mọi chứng hư lao như các chứng huyết hao tổn, hư nhược, tiểu tiện nhiều lần, táo bón, lỵ kinh niên. Đặc biệt hải sâm còn được dùng trị liệt dương, di tinh, mộng tinh,…
Trong nhiều y thư cổ như: Bản thảo tùng tân, Bản thảo nhiếp yếu, Cương mục thập di, Dược tính chỉ nam… đều nói hải sâm bổ dưỡng. Theo đó hải sâm thận kinh, ích tinh tủy, có tính tráng dương, bổ ích thận, thông lợi tràng vị. Trị mọi chứng hư lao, ốm yếu gầy còm.
Cách dùng hải sâm theo Đông y: Thường dùng dưới dạng nướng giòn, nghiền tán thành bột. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 6 – 10g, dùng rượu hay nước nóng để chiêu thuốc. Hoặc có tài liệu ghi liều dùng trung bình cho mỗi ngày là 12 – 20g, có khi tới 40g. Theo đó thường chọn Hải sâm tử tức là hải sâm to lớn, thân có gai, sắc xanh đen, mềm.
Tác dụng của hải sâm theo nghiên cứu hiện đại
Kết quả nghiên cứu trên động vật thực nghiệm cho thấy, lipid tổng hợp chiết xuất từ tế bào động vật không xương sống ở biển có vai trò rất lớn trong việc ngăn ngừa và điều trị bệnh xơ vữa động mạch.
Kết quả nghiên cứu dược lý học hiện đại cho thấy: Hải sâm có tác dụng tăng cường sức đề kháng, nâng cao miễn dịch của cơ thể, giảm mệt mỏi cơ bắp, duy trì trạng thái hoạt động cao; chống lão hóa; cải thiện chức năng hệ thần kinh và ổn định tâm lý; bổ sung các yếu tố tạo máu, tăng tuần hoàn máu, cải thiện khả năng hấp thu ôxy và chống mệt mỏi cơ tim.
Ngoài ra, hải sâm còn có tác dụng như chất xúc tác đối với các phản ứng enzyme, thúc đẩy quá trình chuyển hóa và hấp thu, tổng hợp protein.
Cách dùng hải sâm tốt cho sức khỏe
- Trị dương nuy (liệt dương): hải sâm 20g, thịt dê 100g. Hầm chung đến nhừ. Nêm đủ gia vị ăn 1 lần trong ngày. Cần ăn 5 – 7 ngày. Dùng cho các trường hợp thận hư, liệt dương, di tinh, tiểu dắt, người cao tuổi suy nhược, lạnh tay chân.
- Trị liệt dương, di tinh, tinh lạnh do thận hư (loại làm hoàn): Hải sâm 480g (sao thơm), hạch đào nhân 100 hạt, thận dê 4 – 6 đôi, đỗ trọng 240g, thỏ ty tử 240g, ba kích 124g (tẩm nước cam thảo sao), câu kỷ tử 120g, lộc giác giao 120g, bổ cốt chỉ 120g (sao với muối), đương quy 120g, ngưu tất 120g (tẩm dấm sao), quy bản 120g (sao với dấm). Tất cả sấy khô tán bột mịn trộn đều luyện với mật ong làm hoàn. Mỗi viên nặng 9g. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 3 viên.
- Chữa thiếu máu: Hải sâm, đại táo lượng bằng nhau. Đem sấy khô tán bột. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 9g, chiêu với nước ấm.
- Trị trĩ xuất huyết: Hải sâm lượng vừa đủ đốt tồn tính, tán bột. Mỗi lần uống 1,5g hòa với a giao 6g trong nước sôi cho tan rồi uống. Ngày uống 3 lần. Uống từ 5 – 7 ngày.
- Táo bón do âm hư: Hải sâm 30g, đại tràng lợn 120g, mộc nhĩ đen 15g. Cho vào hầm nhừ ăn ngày 1 lần, cần ăn liền trong nhiều ngày.
- Chữa suy nhược thần kinh do thận hư (nhức đầu, hoa mắt, đau mỏi lưng gối, ù tai, mất ngủ, di tinh, xuất tinh sớm…): Hải sâm 30g, gạo tẻ 100g. Hải sâm ngâm rửa sạch, thái lát, cho vào nồi nấu cháo với gạo tẻ để ăn. Có thể ăn thường xuyên.
- Hoặc hải sâm 30g, xương sống lợn 60g, hạch đào nhân 15g. Ba thứ làm sạch, hầm nhừ, thêm gia vị, ăn trong nhiều ngày.
- Hải sâm hỗ trợ điều trị tăng huyết áp và xơ vữa động mạch: Hải sâm 50g, hầm nhừ, thêm một chút đường phèn, ăn trong ngày.
Trên đây là bài viết tìm hiểu hải sâm có tác dụng gì. Cùng với đó là cách dùng hải sâm và các thông tin khác có liên quan. Thông tin trong bài chỉ mang tính tham khảo và không thay thế ý kiến của bác sĩ.